Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2008

10 - CÙ THỊ LÀ CÙ THỊ ƠI !

Cù Thị (nghĩa là người con gái họ Cù) vốn quê ở Hàm Đan (Trung Quốc). Khi chưa lấy  chồng, Cù Thị đã từng thông dâm với một viên quan nhà Hán là An Quốc Thiếu Quý.

Thời Triệu Văn Vương (vua thứ hai của Nam Việt, húy là Hồ, cháu của Triệu Đà), để tiếp nối việc gìn giữ hòa khí với nhà Hán, Triệu Văn Vương đã cho con là thái tử Anh Tề sang làm con tin, nhân đó, Triệu Anh Tề đã kết hôn với Cù Thị.
Triệu Văn Vương mất, Anh Tề được về nối ngôi, đó là Triệu Minh Vương. Cù Thị hiển nhiên trở thành Hoàng hậu của Nam Việt. Triệu Minh Vương ở ngôi được 12 năm thì mất, con là Triệu Hưng được đưa lên ngôi, đó là Triệu Ai Vương. Cù Thị là Thái hậu của vua Nam Việt.


Nhận thấy cơ hội thôn tính Nam Việt xuất hiện ngày một rõ ràng, nhà Hán lập tức cử sứ giả sang. Và, sứ giả lần này lại chính là An Quốc Thiếu Quý, tình nhân cũ của Cù thái hậu, người mà xuân sắc xem ra vẫn còn khá mặn mòi. Phái bộ sứ giả do An Quốc Thiếu Quý cầm đầu khá đông, ngoài ra lại còn có cả một đạo quân lớn do quan Vệ úy là Lộ Bác Đức đóng ở Quế Dương để yểm trợ từ xa. Hành vi của An Quốc Thiếu Quý và Cù Thị đã được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 2, từ tờ 13-a đến tờ 15-b) chép lại như sau:


“Xưa kia, khi chưa lấy Minh Vương, thái hậu (chỉ Cù Thị) đã từng thông dâm với một người quê ở Bá Lăng là An Quốc Thiếu Quý. An Quốc là họ, Thiếu Quý là tên. Đến đây nhà Hán sai An Quốc Thiếu Quý sang dụ Thái hậu vào chầu, tương tự như các chư hầu trong nội hạt của nhà Hán. Nhà Hán lại sai bọn biện sĩ, Gián nghị đại phu là Chung Quân đi tuyên dụ, bọn dũng sĩ là Ngụy Thần theo giúp việc. Ngoài ra, còn cho quan Vệ úy là Lộ Bác Đức đem quân đóng ở Quế Dương để đợi sứ giả.


Bấy giờ, vua còn nhỏ tuổi mà Cù Thái hậu là người Hán, cho nên, An Quốc Thiếu Quý lại thông dâm. Người trong nước biết được, phần lớn không ai chịu theo Thái hậu. Thái hậu sợ có biến loạn, bèn dựa uy của nhà Hán, nhiều lần xin vua và các quan xin nội thuộc vào nhà Hán. (Thế rồi, Thái hậu) nhờ sứ giả dâng thư, xin được theo lệ như các chư hầu nội hạt, cứ ba năm một lần vào chầu, triệt bỏ canh phòng ở các cửa ải (với nhà Hán). Nhà Hán bằng lòng, ban cho Vua và Thừa tướng Lữ Gia cái ấn bằng bạc và các ấn khác dùng trong triều, lại cho được quyền tự đặt các chức quan như Trung úy, Thái phó. Các hình phạt như cắt mũi, thích chữ vào mặt... đều bãi bỏ. Nước dùng luật nhà Hán như các chư hầu nội hạt. Nhà Hán cũng sai các sứ giả ở lại để lo việc vỗ về”.


… “Vua và Thái hậu đã sửa sang lễ vật quý giá cùng các thứ hành trang để vào chầu. Bấy giờ, Thừa tướng Lữ Gia tuổi đã cao, giữ chức này trải đã ba triều, họ hàng thân thuộc làm trưởng lại có đến hơn bảy chục người, con trai thì lấy con gái của vua, con gái thì gả cho con em của vua và người tôn thất, đã thế lại còn thông gia với Tần Vương ở Thương Ngô, được lòng dân trong nước còn hơn cả Vua. (Lữ) Gia nhiều lần dâng thư can vua nhưng vua không nghe, vì đó, có ý chống lại, thường cáo bệnh không tiếp sứ giả nhà Hán. Các sứ giả nhà Hán đều chú ý đến (Lữ) Gia nhưng thế chưa thể giết được. Nhà vua và Thái Hậu cũng có ý lo sợ phe Lữ Gia khởi sự trước nên muôn nhờ sứ giả nhà Hán lập mưu giết Lữ Gia. Nhà vua bèn mở tiệc rượu mời sứ giả cùng các đại thần đến dự. Lúc ấy, em của Lữ Gia làm tướng, đem quân đến đóng ở phía ngoài cung. Khi tiệc rượu mới bắt đầu, thái hậu nói với Lữ Gia rằng:


- Nam Việt xin nội thuộc là việc có ích cho nước nhà, tại sao tướng quân lại cho là bất tiện.


Lời ấy cốt để chọc tức cả (Lữ Gia lẫn sứ giả). Sứ giả còn đang hồ nghi, do dự chưa dám làm gì thì Lữ Gia nhân thấy sắc mặt mọi người có vẻ hơi khác thường, liền đứng dậy bỏ ra ngoài. Thái hậu giận, muốn lấy giáo đâm (Lữ) Gia nhưng nhà vua ngăn lại. (Lữ) Gia ra chia lấy quân lính của em, về nhà cáo bệnh, không chịu gặp vua và sứ giả nữa. Từ đó, (Lữ Gia) cùng các đại thần ngầm tính chuyện làm loạn. Nhà vua vốn không có ý giết (Lữ) Gia và (Lữ) Gia cũng biết thế, cho nên, đến cả mấy tháng mà hai bên vẫn không động tĩnh gì. Thái hậu muốn tự mình giết (Lữ) Gia nhưng sức lại không đương nổi. Hoàng đế nhà Hán được tin (Lữ) Gia không tuân mệnh còn nhà vua và Thái hậu thì bị cô lập, yếu ớt đến độ không chế ngự nổi, sứ giả thì nhút nhát, không quyết đoán được việc gì, nhưng dẫu sao thì ý xin nội phụ của vua và thái hậu đã rõ, phe (Lữ) Gia chưa đáng phải dùng binh mã đến để hỏi tội, bèn định dùng Trang Sâm đem hai ngàn quân sang sứ tiếp. Trang Sâm nói rằng:


- Lấy sự hòa hiếu mà sang thì vài người cũng đủ, còn như lấy vũ lược mà sang thì hai ngàn người cũng chẳng làm được gì.


Nói rồi, (Trang) Sâm từ chối không chịu nhận mệnh. Hoàng đế nhà Hán bèn bãi chức của (Trang) Sâm. Có viên tướng coi giữ vùng phía Bắc trước đây là Hàn Thiên Thu hăng hái nói:


- Một nước Việt cỏn con, trong thì đã có Vương và Thái hậu làm nội ứng, nay nếu cần trừng trị thừa tướng Lữ Gia thì tôi đây chỉ xin cấp cho ba trăm dũng sĩ, thế nào cũng sẽ chém được đầu (Lữ) Gia đem về.


Nhà Hán bèn sai (Hàn) Thiên Thu cùng với em của Cù thái hậu là Cù Lạc, đem hai ngàn quân tiến vào đất Việt. Lữ Gia bèn hạ lệnh cho cả nước rằng:


- Vua còn nhỏ tuổi, thái hậu vốn là người Hán nay lại cùng với sứ giả nhà Hán làm chuyện dâm loạn, quyết đưa nước nhà nội phụ vào nhà Hán, đem hết mọi thứ châu báu của tiên vương dâng cho nhà Hán để nịnh bợ, bắt nhiều người đến Trường An (kinh đô của nhà Hán) để bán cho người ta làm đầy tớ, tóm lại, chỉ nghĩ đến mối lợi riêng, không chút xót thương gì đến xã tắc của họ Triệu, chẳng hề lo đến kế lâu dài.


Xong, (Lữ Gia) cùng với em đem quân đến đánh, giết vua và thái hậu cùng tất cả bọn sứ giả nhà Hán, rồi sai người báo cho Tần Vương ở Thương Ngô cùng hết thảy các quận, các ấp. (Lữ) Gia lập con trưởng của Minh Vương là Thuật Dương Hầu Kiến Đức lên làm vua”.


Lời bàn: Tư thông với An Quốc Thiếu Quý khi chưa lập gia thất, lỗi ấy của Cù Thị quả thật khó tha, nhưng dẫu sao thì đó cũng chỉ là chuyện tư đức, hậu thế đọc sử nhiều lắm cũng đến lắc đầu là cùng. Người ba đấng, của ba loài, trách chi mà làm gì.


Tư thông với An Quốc Thiếu Quý lần thứ hai, việc làm của Cù Thị không đơn giản chỉ làm đồi bại tư đức của mình nữa. Nghĩa lớn đối với nước, tình sâu đối với quần thần, trách nhiệm đối với nhân dân... tất cả đều bị coi thường đến độ rẻ rúng. Lữ Gia há không biết giết vua và thái hậu là điều vạn bất đắc dĩ, nhưng chẳng qua là thế chẳng đặng đừng đó thôi.


Không có Cù Thị thì nhà Hán cũng tìm cách khác để thực hiện cho bằng được ý đồ của mình đối với Nam Việt, nhưng có Cù Thị, ý đồ đó được phủ đầy những hành vi chẳng tốt đẹp một chút nào. Cù Thị là Cù Thị ơi, ở nơi chín suối, bà có biết rằng hậu sinh oán giận những người làm hoen ố sử sách như bà. Đành rằng bà là người Hán, cũng đành rằng những chuyện bà làm xét ra đều ở phía Bắc biên giới hiện nay, nhưng chừng đó cũng đủ hậu sinh quay mặt với bà. Thương thay, nắm đất cố hương của bà
Tác giả: Phạm Khắc Thuần

0 nhận xét:

.