Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

22 - TÔ LỊCH ĐẠI VƯƠNG

Đất Thăng Long xưa có con sông tên là Tô Lịch. Ven sông này lại có làng mang tên là làng Tô Lịch. Sông Tô Lịch và cả tên làng Tô Lịch nay đều không còn nữa, nhưng trong sử sách, con sông ấy, ngôi làng ấy lại được nhắc đến khá nhiều. Điều đáng nói là tên sông và tên làng này lại có nguồn gốc từ tên của một con người: ông Tô Lịch, người sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ III đầu thế kỷ thứ IV, sau được tôn làm thần và được phong tới hàm Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương (vị Đại Vương là Thành hoàng của kinh đô nước nhà là Thăng Long). Sách Việt Điện u linh tập chép về Tô Lịch Đại vương như sau:
“Vương họ Tô, huý là Lịch, sinh thời từng làm quan ở Long Đỗ, tiên tổ cư ngụ ở đó đã lâu đời, dựng làng bên bờ một con sông nhỏ. Gia đình của Vương lấy sự thanh bạch và hoà thuận, hiếu thảo làm trọng, ba đời cùng nhân nhượng mà ở chung với nhau, không chút riêng biệt.


Thời nhà Tấn (đô hộ), triều đình xét những nhà có hiếu, gia đình Vương được khen. Gặp năm mất mùa đói kém, nhà Vương sẵn lòng cho dân vay thóc, triều đình lại ban khen, nhân đó, cho lấy hai chữ Tô Lịch làm tên làng.


Đời vua Đường Mục Tông, niên hiệu Trường Khánh năm thứ ba (tức là năm 823), Lý Nguyên Gia được sai sang làm quan đô hộ nước ta. Lý Nguyên Gia thấy phía Bắc thành Thăng Long có dòng nước chạy ngược, địa thế rất xinh đẹp, bèn cắm đất xây thành, dời phủ trị đến đó. Thành có nhiều cửa, phía trong có nhiều dinh thự. Phủ trị này dựng trên nền nhà cũ của Vương. Lý Nguyên Gia sai giết trâu bò, mở tiệc mời các bậc kì lão trong làng tới dự, nhân đó, hỏi chuyện về Vương, có ý muốn thờ Vương làm Thành hoàng. Mọi người thuận theo, cùng nhau xây dựng một ngôi đền rất tráng lệ. Lễ khánh thành được tổ chức nhộn nhịp khác thường. Đêm hôm đó, Lý Nguyên Gia nằm nghỉ, chợt thấy có trận gió mát thổi vào, bức mành lay động, có một người cưỡi con hươu trắng từ trên không xuống, râu tóc bạc phơ, áo quần lịch sự, bước đến nói với Lý Nguyên Gia rằng:


- Cám ơn sứ quân đã tôn tôi làm Thành hoàng đất này. Nhân đây, tôi xin khuyên sứ quân rằng: nếu ngài hết lòng dạy dỗ cho dân cư trong thành thì mới là người xứng chức và có lòng nhân chính.


Lý Nguyên Gia chắp tay vái tạ và xin vâng rồi dò hỏi họ tên nhưng cụ già không đáp. Lý Nguyên Gia giật mình thức giấc và mới biết đó là mộng.


Sau, đến thời Cao Biền đắp thành Đại La, cũng nghe tiếng anh linh của Vương, bèn sắm sửa lễ vật tới tế, tôn vương làm Đô phủ Thành hoàng Thần quân.


Vua Lý Thái Tổ dời kinh đô ra thành Đại La, đổi gọi Đại La là Thăng Long. Nhà vua thường nằm mơ thấy một cụ già đầu bạc, đứng trước bệ rồng mà tung hô vạn tuế. Nhà vua gạn hỏi họ tên, Vương mới thực lòng tâu lên. Nhà vua cười nói:


- Tôn thần muốn giữ hương khói mãi mãi hay sao?


Vương đáp:


- Chỉ mong thánh thọ bền lâu, cơ đồ vững chắc, trong ngoài yên vui. Đó chính là hương khói đời đời rồi vậy.


Vua tỉnh dậy, sai quan đến tế, phong Vương làm Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương. Từ đó, dân cư trong vùng đến cầu đảo hoặc thề nguyền, hết thảy đều linh ứng. Năm Trùng Hưng thứ nhất (tức năm 1285), nhà vua (Trần Nhân Tông) gia phong hai chữ Bảo Quốc, đến năm Trùng Hưng thứ tư (tức là năm 1288), gia phong hai chữ Hiển Linh và sau, đến năm Hưng Long thứ hai mươi mốt (tức năm 1313), vua (Trần Anh Tông) lại gia phong thêm hai chữ Định Bang nữa”.


Lời bàn : Trong trường hợp đại loại như thế này, hiểu được lai lịch tên làng và tên sông, không phải chỉ đơn giản là hiểu thêm được một tên gọi thân thương nào đó. Tên sông và tên làng ấy là biểu tượng của lòng nhân ái và nghĩa khí ở đời, kính cẩn tôn thờ là chí phải.


Tiếng nói nửa như nhắc nhở, nửa như cảnh cáo của cụ già trong giấc mơ của Lý Nguyên Gia, nào có khác gì tiếng nói của trăm họ bị trị đương thời? Sau Lý Nguyên Gia, đến cả những quan đô hộ khét tiếng như Cao Biền cũng phải sắm sửa lễ vật và thân hành tới tế. Hư thực ra sao khoan bàn, chỉ biết dân mong như vậy và... bắt chuyện này phải kể như vậy.


Các vị đế vương của nước nhà thời độc lập và tự chủ, nối nhau tôn vinh và gia phong cho thần Tô Lịch, ấy cũng là sự thường.


Tác giả: Phạm Khắc Thuần

0 nhận xét:

.