Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

23 - CHUYỆN SÁI KINH VÀ SÁI TẬP

Sái Kinh và Sái Tập là hai viên quan của nhà Đường, sinh năm nào không rõ, chỉ biết Sái Kinh bị buộc phải tự tử vào tháng 7 năm Nhâm Ngọ (862), còn Sái Tập thì bị chết trận vào tháng giêng năm Quý Mùi (863). Chuyện về hai viên quan họ Sái, thực ra lại có gốc gác từ chuyện viên quan đô hộ trước đó là Lý Trác, vì tham lam quá mức, đã gây ra cuộc xung đột với Nam Chiếu. Bấy giờ vùng Tây Nam Trung Quốc và một phần vùng Tây Bắc nước ta là lãnh thổ của nước Nam Chiếu.
 Sử cũ chép rằng, Lý Trác tham lam tàn bạo, ức hiếp để mua rẻ bò và ngựa của đồng bào các dân tộc ít người, mỗi con chỉ trả cho họ một đấu muối, đã thế, lại giết tù trưởng của họ là Đỗ Tồn Thành, bởi vậy, họ tức giận, dẫn đường cho quân Nam Chiếu vào cướp phá. Từ đây, Nam Chiếu trở thành nỗi bận tâm lớn nhất của nhà Đường. Đã có lúc, toàn bộ các quan trong guồng máy đô hộ của nhà Đường bị Nam Chiếu đánh cho tan tác, phải tháo chạy thục mạng về Trung Quốc.

Năm Tân Tỵ (861), quan đô hộ của nhà Đường là Vương Khoan lại đem quân đi đàn áp đồng bào các dân tộc ít người và giết chết tù trưởng của họ là Đỗ Thủ Trừng. Một lần nữa, đồng bào các dân tộc ít người đi cầu cứu Nam Chiếu. Tình hình nước ta trở nên rất căng thẳng. Vua nhà Đường vừa cử Sái Kinh sang làm đô hộ nước ta, vừa sai Sái Tập đem quân sang để đánh nhau với Nam Chiếu. Nhưng, tình hình chẳng nhờ thế mà tốt đẹp hơn, ngược lại, đã trở nên hết sức tồi tệ, mà nguyên nhân do chủ yếu lại bởi những suy nghĩ hết sức lạ lùng của Sái Kinh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (ngoại kỷ, quyển 5, từ tờ 10b đến tờ 11b) chép rằng:

“Mùa hạ, tháng 5 (năm Nhâm Ngọ 862), quan giữ chức Lĩnh Nam Tiết độ sứ là Sái Kinh thấy Sái Tập chuẩn bị đem quân các đạo tới chống cự với quân Man (chỉ chung quân Nam Chiếu và dân binh các dân tộc ít người), sợ rằng Sái Tập sẽ lập được công to, lòng những ghen ghét, bèn tâu với vua (nhà Đường) rằng:

- Quân Man đã trốn xa, biên giới nay chẳng còn gì phải lo nữa. Kẻ vũ phu kia chỉ cầu công danh, xin càn quân sĩ đi đóng ở nơi biên ải, tốn phí quân lương và mệt nhọc chuyên chở, vả chăng, chốn hiểm yếu xa xôi thật khó bề kiểm soát, sợ có sự gian trá sẽ xảy ra, vậy, xin cho (Sái Tập) bãi binh, quân thuộc đạo nào xin trả về đạo ấy.

Vua Đường nghe theo. (Sái) Tập nhiều lần tâu rằng:

- Quân Man chỉ nhằm lúc sơ hở để đánh, ta không thể lơ là việc phòng bị. Vậy, xin cho được giữ lại năm ngàn quân để lo đóng giữ.

Vua Đường không nghe. (Sái) Tập nghĩ rằng, quân Man thế nào cũng sẽ tiến đánh mà mình thì quân ít, lương thiếu, trí và lực đều yếu, bèn làm tờ thập tất tử trạng (tờ tâu về mười tình trạng tất yếu phải chết) trình lên toà Trung Thư, nhưng quan tể tướng lại tin vào lời tâu của Sái Kinh nên không thèm xét đến lời tâu của Sái Tập.

Mùa thu, tháng 7 (năm Nhâm Ngọ 862), Sái Kinh vì làm việc hà khắc, khắp cõi đều oán, quân sĩ nổi giận mà đuổi hắn đi. (Triều đình) biếm hắn làm chức Tư hộ ở châu Nhai. Hắn không chịu đi nhận chức nên vua Đường xuống chiếu bắt phải tự tử.

Mùa đông, tháng 10 (năm Nhâm Ngọ 862), người Man cùng Nam Chiếu đem năm vạn quân đến đánh, (Sái) Tập cáo cấp về triều đình. Vua nhà Đường sai lấy quân lính của hai đạo Kinh Nam và Hồ Nam (hai đạo này đều thuộc Trung Quốc), gồm tất cả hai ngàn, cộng với nghĩa chinh (quân ứng nghĩa đi đánh trận) ở Quế Quản (Trung Quốc) khoảng ba ngàn nữa, cùng kéo đến Ung Châu (Trung Quốc), đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Trịnh Ngu để đi cứu (Sái) Tập. Tháng chạp năm ấy, (Sái) Tập lại xin thêm quân. Vua nhà Đường bèn ra lệnh cho đạo Sơn Nam (Trung Quốc) đem một ngàn người giỏi bắn cung nỏ sang. Bấy giờ, quân Nam Chiếu đã bao vây phủ thành (của Sái Tập), cho nên, quân cứu viện không sao đến được. Sái Tập đành cố thủ mà thôi”.

... “Mùa xuân tháng giêng (năm Quý Mùi 863), quân Nam Chiếu đánh chiếm được phủ thành, các tướng tả hữu của (Sái) Tập đều chết cả. (Sái) Tập chạy bộ, cố sức đánh, thân mình bị trúng những mười mũi tên. Sái Tập muốn nhảy xuống thuyền của viên Giám quân để chạy trốn, nhưng thuyền đã chạy ra xa bờ, bèn cùng với cả nhà, gồm bảy chục người, nhảy xuống biển mà chết. Bọn liêu thuộc của Sái Tập là Phàn Xước đem ấn tín và binh phù của Sái Tập sang sông từ trước nên thoát được. Bọn tướng sĩ ở các châu Kinh Nam, Giang Tây, Ngạc, Nhạc và Tương (tất cả đều thuộc Trung Quốc) tất cả hơn bốn trăm người đều chạy về phía đông của thành, chỗ tiếp giáp với con sông.  Quan Ngu hầu của châu Kinh Nam là Nguyễn Duy Đức nói với quân sĩ rằng:

- Bọn ta không có thuyền, xuống nước tất phải chết, vậy, chi bằng ta hãy quay lại đánh nhau với bọn người Man, ta lấy một chọi hai, hẳn cũng có lợi chút ít.

Nói rồi, bèn cùng nhau trở lại thành, vào phía cửa Đông của La Thành. Khi ấy, người Man không phòng bị. Bọn (Nguyễn) Duy Đức tung quân đánh mạnh, giết được hơn hai vạn quân Man. Đến đêm, tướng của người Man là Dương Tự Tấn từ trong thành đem quân ra cứu. Bọn (Nguyễn) Duy Đức đều bị giết cả. Như vậy, Nam Chiếu hai lần đánh chiếm Giao Châu, vừa giết vừa bắt đi tổng cộng gần mười lăm vạn người”.

Lời bàn : Lý Trác, Sái Kinh, Sái Tập, Trịnh Ngu hay Nguyễn Duy Đức... tất cả đều là quan lại và tướng lĩnh của triều đình nhà Đường, đều là những kẻ từng có một thời tác oai tác quái trên đất nước ta. Song, chuyện của họ nào phải do sử gia vô tình chép lại mà có?

Một Lý Trác tham của khiến cho sinh linh cả một phương điêu đứng, loạn li chết chóc mấy năm không dứt, khiếp thay! Mới hay, việc chọn quan can hệ đến vận mệnh của trăm họ biết ngần nào.

Một Sái Kinh nhỏ nhen và ganh ghét, đủ để khiến cho tướng Sái Tập cùng quân sĩ và gia quyến phải bỏ mình, đủ để khiến cho sau đó, cả tướng Nguyễn Duy Đức cùng bộ hạ phải thiệt mạng. Mới hay, sự nhỏ nhen của đồng liêu, đôi khi còn khủng khiếp hơn cả một đạo quân hung hãn của đối phương. Làm vua mà dung nạp bọn nhỏ nhen ấy thì cũng có nghĩa là tự chặt bớt tay chân của mình vậy.

Biết thế, nhưng vua Đường là vua Đường, làm sao khác được!

Tác giả: Phạm Khắc Thuần

0 nhận xét:

.