Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

27 - VÌ SAO HỌ NGÔ MẤT NGÔI ?

Năm 944, Ngô Quyền mất. Trước khi qua đời, Ngô Quyền có lời trăn trối, nhờ Dương Tam Kha tôn lập con trai trưởng của mình là Ngô Xương Ngập lên nối ngôi. Tiếc thay, Dương Tam Kha lại lợi dụng cơ hội Ngô Quyền mất để cướp lấy quyền bính. Ngô Xương Ngập vì hoảng sợ mà bỏ trốn, đến tá túc ở nhà của Phạm Lệnh Công.
Năm Canh Tuất (950), em của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Văn cùng với hai tướng là Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc lật đổ Dương Tam Kha, khôi phục cơ nghiệp của nhà Ngô. Nhưng, Dương Tam Kha từng nhận Ngô Xương Văn làm con, vì thế, Ngô Xương Văn không nỡ giết, đã thế, còn phong cho Dương Tam Kha tước Công và ban cho đất đai vùng Chương Dương làm thực ấp.


Năm Tân Hợi (951), Ngô Xương Văn xưng là Nam Tấn Vương và ngay sau đó, sai sứ đi đón Ngô Xương Ngập về để cùng trông coi việc nước. Ngô Xương Ngập về, xưng là Thiên Sách Vương. Như vậy, nước nhà lúc này có một lúc những hai vua!


Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 5, tờ 24-a) cho hay rằng, Thiên Sách Vương ngày một chuyên quyền, khiến Nam Tấn Vương không còn được tham dự vào việc bàn chính sự nữa.


Bấy giờ, tình hình trong nước cũng như ngoài nước hết sức căng thẳng. Trong nước thì do chính quyền trung ương lục đục, các địa phương nổi lên chống đối, đồng thời, nạn cát cứ cũng bắt đầu xuất hiện. Nước có hai vua nhưng chẳng vua nào quản lí được đất nước. Ngoài nước thì đáng kể hơn cả là việc nhà Tống đã thống nhất được Trung Quốc và đang âm mưu bành trướng xuống phương Nam.


Năm Ất Sửu (965), Thiên Sách Vương đem quân đi đàn áp cuộc nổi dậy của nhân dân thôn Đường và thôn Nguyễn ở Thái Bình, chẳng may trúng mũi tên mà chết. Năm sau (Bính Dần, 966), Nam Tấn Vương bị bệnh mà mất. Nhà Ngô đến đấy là dứt.


Vì sao nhà Ngô mất ngôi? Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Nam Tấn Vương nhà Ngô lấy nghĩa để trừ bạo, khôi phục nghiệp cũ, cũng có thể nói là đủ để thỏa vong linh của tổ tiên, làm hả lòng căm giận của thần và của người. Chính trị đang lúc đổi mới, thế mà vì nhân từ, thương người theo kiểu đàn bà con nít, không nỡ trị tội Dương Tam Kha cướp ngôi, lại tham việc can qua, càn rỡ đánh dẹp ở thôn Đường và thôn Nguyễn, rốt lại là tự hại mình, đáng tiếc thay!” (Sách trên, tờ 25-a).


Sử thần Lê Văn Hưu cũng nặng lời phê phán Nam Tấn Vương, Ngô Xương Văn. Hẳn nhiên, hai bậc sử gia lừng danh như Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên đã nói, thì cho dẫu không đúng, cũng quyết không thể sai, nhưng, hình như trong chỗ ngổn ngang của thế sự, hai đấng tiền bối khả kính này cũng có ý chừa lại vài lời cho hậu sinh. Ngẫm chuyện Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương, hẳn ai cũng rõ, xưa nay chẳng có sự thừa nào đáng sợ như thừa vua. Nước nhỏ mà một lúc có đến những hai vua, điều ấy cũng có nghĩa là sẽ không còn có vua nào nữa. Loạn mười hai sứ quân sau đó chẳng phải là sự báo ứng rành rành đó sao?


Tác giả: Phạm Khắc Thuần

0 nhận xét:

.