Thứ Năm, 17 tháng 9, 2009

12 – LỜI TÂU CỦA LÝ TIẾN, LÝ CẦM VÀ TRƯƠNG TRỌNG

Năm Canh Thìn (200), một sự kiện khác đặc biệt đã xảy ra ở ngay giữa triều đình nhà Hán. Sự kiện này gắn liền với tên tuổi của hai người. Một là Lý Tiến và hai là Lý Cầm. Lý Tiến là quan văn, được cử giữ chức Thứ sử là chức trông coi toàn bộ các địa phương của nước ta lúc bấy giờ. Lý Cầm là quan võ bậc thấp, lúc ấy đang làm Túc vệ là chức bảo vệ thường trực ở triều đình nhà Hán. Hai người hoàn toàn khác nhau nhưng lại cùng họ Lý, và quan trọng hơn, cùng gắn với một sự kiện được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 3, từ tờ 8b đến tờ 9b) chép lại như sau:
“Thứ sử là Lý Tiến, dâng lời tâu lên hoàng đế nhà Hán, đại lược nói rằng: Quan lại trong khắp thiên hạ, ai chẳng là bề tôi của nhà vua. Vậy mà ngày nay, kẻ làm quan ở triều đình đều là sĩ phu trung châu, triều đình chưa từng khuyến khích người nào ở xa cả.


Lời tâu của Lý Tiến viết rất cảm động, đã thế lại còn viện dẫn rất nhiều bằng chứng xác đáng. Hoàng đế nhà Hán bèn xuống chiếu, cho phép mọi người trong châu ta, hễ ai đỗ Hiếu liêm (tức đỗ Hương cống, Cống sĩ hay Cử nhân) hoặc đỗ Mậu tài (tức đỗ Sinh đồ hay Tú tài) thì được bổ làm trưởng lại trong châu (tức là làm quan ở một địa phương nào đó thuộc phạm vi của nước ta cũ) chứ không được bổ nhiệm ở vùng trung châu. Lý Tiến lại dâng sớ nói rằng:


- Người đỗ Hiếu liêm xin đề nghị được đối xử tương tự như Bác sĩ (tức tiến sĩ) của mười hai châu khác, tùy tài mà dùng.


Các quan ở Hữu ti sợ rằng người phương xa không thật thà, hay bắt bẻ, chê bai triều đình nên không chấp thuận. Bấy giờ, có Lý Cầm là người Việt ta, làm túc vệ ở đấy, biết chuyện, bèn rủ bọn đồng hương là Bốc Long, cả thảy năm sáu người, nhân ngày đầu năm có lễ triều hội tiến đến quỳ lạy ở giữa sân điện mà tâu rằng:


- Ơn huệ của hoàng đế ban ra không đều.


Các quan ở Hữu ti hỏi:


- Tại sao dám nói vậy?


Đáp:


- Đất Việt ở xa, chẳng được trời che đất chở, mưa ngọt không thấm đến, gió mát không thổi vào.


Lời của họ có vẻ khẩn thiết, đau đớn lắm. Hoàng đế nhà Hán xuống chiếu an ủi, cho lấy một người đỗ Mậu tài của nước ta làm huyện lệnh ở Hạ Dương, một người đỗ Hiếu liêm của nước ta làm huyện lệnh ở Lục Hợp. Sau, Lý Cầm cũng được làm quan tới chức Tư lệ hiệu úy. Sau nữa, có Trương Trọng được làm chức thái thú ở Kim Thành. Thế là nhân tài nước Việt ta được tuyển dụng tương tự như người Hán, bắt đầu từ Lý Tiến, Lý Cầm vậy.


Trương Trọng người quận Nhật Nam, có lần đến Lạc Dương đúng hội Tết Nguyên Đán là hội lớn của dân ở đây, gặp hoàng đế nhà Tấn là Tấn Minh Đế. Tấn Minh Đế hỏi:


- Nhật Nam là quận hướng về phương Bắc để trông mặt trời có phải không?


Trương Trọng đáp rằng :


- Nay trong số các quận, có quận Vân Trung nhưng đâu có phải là ở trong mây, có quận Kim Thành mà nào có phải là thành vàng. Tên gọi ấy có phải là đúng với sự thật ấy đâu. Còn như có phong khí ấm áp, có mặt trời soi bóng trên đầu thì tất có sinh dân, Nhật Nam xưa nay vẫn vậy.


Lời bàn:


Một sự việc, hai lời tâu, tương đồng là đó mà dị biệt cũng là đó. Lý Tiến là quan văn, chức hàm khá cao, bởi thế, ông tâu theo kiểu tâu của quan văn, cũng chứa chan tâm huyết, cũng thẳng thắn rạch ròi, nhưng quả là rất chừng mực, cả trong nội dung lẫn cung cách trình bày. Lý Cầm là con nhà võ, lại là võ bậc thấp, nghĩ sao nói vậy, không câu nệ chữ nghĩa, cũng bất chấp lễ nghi, cốt sao nói được tiếng nói của mình. Nhà Hán hẳn nhiên chẳng vì lời tâu của Lý Tiến và Lý Cầm mà thay đổi cách tuyển dụng người, nhưng dẫu sao thì cũng đã phải buộc lòng ghi nhận. Nếu thiếu dũng khí, chẳng thể nói được những lời như Lý Tiến và Lý Cầm đã nói đâu.


Sử cũ chép chuyện Trương Trọng ngay sau chuyện Lý Tiến và Lý Cầm, dẫu biết rõ Trương Trọng sống sau hai nhân vật họ Lý này đến hơn 100 năm, ấy là muốn chép cho liền mạch dũng khí mà trước đó Lý Tiến và Lý Cầm đã tạo ra đó thôi. Phàm là người ở giữa cõi cao xanh, thiếu gì thì thiếu chớ thiếu dũng khí thì kể như thiếu hẳn một cái gì lớn lao vô cùng. Câu hỏi của Tấn Minh Đế chứa chất sự cao ngạo một cách vô lối. Nhưng, đáng đời thay, trả lời cho câu hỏi của Tấn Minh Đế lại là một người Việt vừa rất giàu dũng khí lại cũng vừa rất thông minh.


Hóa ra, không biết mà chân thành đi hỏi người biết thì ta bao giờ cũng an lòng về ta. Ngược lại, không phải không biết mà vẫn cứ cố đặt câu hỏi để hỏi người biết, thì tai họa của câu trả lời chưa dễ lường trước được đâu.


Tác giả: Phạm Khắc Thuần

0 nhận xét:

.