Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

31 - CÁI CHẾT CỦA ĐINH ĐIỀN VÀ NGUYỄN BẶC

Đinh Điền người Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) cùng họ với Đinh Tiên Hoàng. Ông sinh năm nào chưa rõ, chỉ biết ông từng là người có công trong sự nghiệp tiêu diệt loạn mười hai sứ quân, và khi triều Đinh được thành lập, ông được phong tới chức Ngoại giáp. Đinh Điền mất vào cuối năm Kỉ Mão (979).Cổ nhân mà!
Nguyễn Bặc sinh năm Giáp Thân (924), mất năm Kỉ Mão (979) thọ 55 tuổi. Ông người Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình), là bạn của Đinh Tiên Hoàng từ hồi còn nhỏ. Sau, Nguyễn Bặc cũng từng là người có công trong sự nghiệp tiêu diệt loạn mười hai sứ quân, và khi triều Đinh được thành lập, ông được phong tới tước Định Quốc công.


Tháng mười năm Kỉ Mão (979), Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị tên nghịch thần là Đỗ Thích giết hại. Ngay sau đó, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Lê Hoàn đã cùng nhau tôn lập con thứ của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn lên nối ngôi. Tiếc thay, ngay sau đó, Đinh Điền và Nguyễn Bặc lại nổi binh chống Lê Hoàn để rồi cả hai cùng bị Lê Hoàn giết hại. Sự kiện đau lòng này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 1, tờ 7a - b và tờ 8-a) chép lại như sau:


“Vua nối ngôi khi mới được sáu tuổi, Lê Hoàn lo nhiếp chính, làm những công việc như Chu Công (tức Chu Công Đán, em của vua nhà Chu bên Trung Quốc là Vũ Vương. Chu Công nhận di chiếu của Vũ Vương, tôn lập Thành Vương lên nối ngôi, còn mình thì lo nhiếp chính. Bởi việc này, Chu Công từng bị các quan đương thời gièm pha, cho là Chu Công sẽ làm chuyện thoán nghịch). Lê Hoàn tự xưng là Phó Vương. Bọn Định Quốc Công là Nguyễn Bặc, Ngoại Giáp là Đinh Điền, cùng với Phạm Hạp, ngờ rằng Lê Hoàn sẽ làm chuyện không hay đối với Nhà vua còn nhỏ tuổi, bèn dấy binh thủy bộ, chia làm hai ngả tiến về kinh đô để giết Lê Hoàn, nhưng không đánh nổi mà đều bị giết.


Trước khi bọn Đinh Điền và Nguyễn Bặc cất quân, Thái hậu đã hay tin, lòng những lấy làm lo sợ, bèn đến báo với Lê Hoàn rằng:


- Bọn Nguyễn Bặc dấy quân làm loạn, gây kinh động cả nước nhà ta mà vua thì còn nhỏ tuổi, chưa thể kham nổi việc cứu nạn, vậy, các ông nên sớm liệu, chớ để tai họa về sau.


Lê Hoàn nói:


- Thần ở chức Phó Vương, quyền nhiếp chính sự, cho dẫu biến loạn sống chết thế nào, cũng quyết đảm đương trách nhiệm.


Nói rồi, ông chuẩn bị quân ngũ, đánh nhau với (Đinh) Điền và (Nguyễn) Bặc ở Tây Đô. Lê Hoàn người Ái Châu (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa), nay đóng đô ở Hoa Lư, vì thế, sử gọi Ái Châu là Tây Đô. (Đinh) Điền, (Nguyễn) Bặc thua chạy. Sau, chúng đem thủy quân ra đánh. Lê Hoàn nhân thuận gió, phóng lửa đốt hết chiến thuyền của chúng, chém chết (Đinh) Điền tại trận và bắt sống được (Nguyễn) Bặc đem về kinh sư. (Lê Hoàn) kể tội Nguyễn Bặc rằng:


- Tiên đế gặp nạn, lòng người và thần nhân đều căm giận và hổ thẹn. Ngươi là bề tôi mà nhân lúc tang tóc bối rối để dấy quân bội nghĩa, vậy thì phận làm tôi để ở đâu?


Nói rồi, sai người đem (Nguyễn Bặc) ra chém đầu.


Bọn (Đinh) Điền và (Nguyễn) Bặc đã bị giết rồi, quân của bọn Phạm Hạp cũng tự nhiên mất hết khí thế, bỏ chạy về làng Cát Lợi ở Bắc Giang. (Lê) Hoàn đem quân đuổi theo, bắt được Phạm Hạp đem về kinh sư.


Lời bàn: Có suy ngẫm mới hay, sở dĩ Đinh Tiên Hoàng đầy  uy danh lừng lẫy, ấy cũng bởi vì quanh Đinh Tiên Hoàng và sát cánh với Đinh Tiên Hoàng là một loạt những tướng lĩnh tài ba, như Đinh Điền, như Nguyễn Bặc, như Phạm Hạp, như Lê Hoàn và như không biết bao nhiêu là người khác. Tiếc thay, những bậc anh tài này chỉ sát cánh với nhau khi có Đinh Tiên Hoàng chớ không thể sát cánh với nhau sau khi Đinh Tiên Hoàng đã khuất. Anh tài chẳng thể nương tha anh tài, xót xa thay!


Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp đều là các bậc đại trượng phu, bừng bừng chí cả. Nhưng, chí và trí chẳng tương đồng. Có ai ngờ rằng các bậc dũng tướng lại thiếu sáng suốt khi phân tích những diễn biến xảy ra quanh mình? Quả thật, không thể nói khác hơn rằng, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp đã xử thế một cách rất không bình thường. Họ chỉ mới thấy ngôi vua mà chưa thực sự thấy triều đình, chỉ mới thấy chuyện hoàng tộc chứ chưa thực sự thấy hết chuyện xã tắc, chỉ mới thấy việc ở trước mắt chứ chưa thấy sự lợi hại của mai sau.


Trách Lê Hoàn sao không chịu nương tay chăng? Hẳn nhiên, Lê Hoàn cũng có chỗ không đúng, nhưng chắc chắn, việc làm của ông cũng chẳng phải là sai.


Tác giả: Phạm Khắc Thuần

0 nhận xét:

.