Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2008

02 – NƯỚC VĂN LANG ĐÃ RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?

Sách Lĩnh Nam chích quái, phần Hồng Bàng thị truyện, chép:

“(Lạc) Long Quân và Âu Cơ ăn ở với nhau được chừng hơn một năm thì sinh hạ được một cái bọc, cho đó là điềm chẳng lành nên đem vất ra ngoài đồng. Bảy ngày sau, bọc ấy nở thành một trăm cái trứng, mỗi trứng lại nở thành một người con trai. (Lạc) Long Quân bèn đón về nhà nuôi, chẳng cần cho bú mớm mà các con người nào cũng tự lớn, trí dũng song toàn, ai trông thấy cũng đều kính phục, cho là đàn con phi thường.
Nhưng, (Lạc) Long Quân cứ ở mãi dưới thủy phủ, khiến cho mẹ con Âu Cơ cứ phải chịu cảnh lẻ loi, cho nên, cũng muốn trở về đất Bắc. Khi (mẹ con Âu Cơ) dắt díu nhau về đến biên giới, Hoàng Đế hay tin, lấy làm lo sợ, bèn sai quân ra canh giữ các cửa ải, vì thế, mẹ con Âu Cơ không thể về Bắc được, đêm ngày cứ gọi (Lạc) Long Quân rằng :


Bố ở nơi nào,
Mà sao nỡ để,
Mẹ con buồn đau.



(Lạc) Long Quân liền về, gặp Âu Cơ ở Tương Dã. Âu Cơ vừa khóc vừa nói rằng :


- Thiếp vốn người phương Bắc, cùng chàng ăn ở với nhau mà sinh hạ được trăm đứa con trai, giờ chẳng biết nương tựa vào đâu mà nuôi nấng chúng được, vậy, thiếp xin theo chàng, xin chàng đừng ruồng bỏ, làm cho thiếp thành kẻ không chồng, các con thành kẻ không cha, thực là đau khổ lắm.


(Lạc) Long Quân nói :


- Ta là giống Rồng, đứng đầu các loài dưới nước, còn nàng là giống Tiên, làm người trên đất. Tuy âm dương khí tụ mà sinh con nhưng không sao đoàn tụ được vì hai giống tương khắc như nước với lửa, thật khó bề bền lâu. Nay, đành phải chia li ta mang năm mươi con trai về thủy phủ và chia cho chúng đi cai trị các nơi, còn năm mươi đứa sẽ theo nàng ở lại trên đất, chia nước mà cai trị. Khi lên ngàn hay khi xuống nước, có việc thì phải gắn bó với nhau mà làm, chớ rời bỏ nhau.


Cả trăm người con trai cùng nghe theo rồi cùng nhau tạm biệt. Âu Cơ và năm mươi người con trai đến ở đất Phong Châu, tức là vùng huyện Bạch Hạc, cùng nhau tôn người con trưởng lên làm vua, xưng hiệu là Hùng Vương và đặt tên nước là Văn Lang. Nước ấy, về phía Đông thì giáp Nam Hải, về phía Nam thì giáp nước Hồ Tôn (nay là nước Chiêm Thành), về phía Tây thì giáp nước Ba Thục, còn về phía Bắc thì giáp Động Đình. Nước chia làm mười lăm bộ, gồm: Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải (nay chính là Nam Ninh), Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Y Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Quế Lâm và Tượng Quận. Vua sai các em chia nhau cai trị. Dưới vua có các chức văn võ. Tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng. Con trai của vua thì gọi là Quan Lang, con gái của vua thì gọi là Mỵ Nương, chức Tư Mã thì gọi là Bồ Chính, kẻ nô bộc thì gọi là Trâu, nô tì gọi là Tinh và các quan khác thì gọi là Khối. Các chức đời đời cha truyền con nối, gọi là Phụ Đạo. Vua truyền ngôi cho nhau đều lấy hiệu là Hùng Vương chứ không thay đổi".


Lời bàn : Lạc Long Quân và Âu Cơ, Tiên Rồng kì ngộ, vậy mà mối tình lại trần tục làm sao ! Bạn đang băn khoăn về sự huyền bí đến độ phi lí chung quanh chuyện mẹ Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng chăng ? Xin bạn chớ bận tâm, bởi vì có cổ tích nào lại không bồng bềnh trong những chi tiết hư ảo đại loại như thế ?


Cao vời thay, công đức và sự nghiệp của Âu Cơ. Sâu sắc và khiêm nhượng thay, lời kí tải cái tâm của tổ tiên vế cội nguồn dân tộc : đi từ trứng nước đi lên, và dẫu định cư bất cứ nơi đâu thì tất cả con Rồng cháu Tiên đều cùng từ một bọc trứng ban đầu do mẹ Âu Cơ sinh hạ.


Người bốn phương muôn thuở vẫn thân ái gọi nhau là đồng bào, tình ruột thịt chung bọc trứng Âu Cơ ngàn năm còn đó. Kính thay! Bạn sẽ thật khó mà tìm được một chân dung Văn Lang với những đường nét cụ thể trong câu chuyện này, nhưng cũng như bao người khác, tôi tin là bạn sẽ bồi hồi khi nghĩ đến nghĩa tình vô giá mà tổ tiên đã cẩn trọng để lại nơi đây.


Lòng người xưa lấp lánh tỏa sáng mãi trong sử cũ, bạn có thấy không ?

Tác giả: Phạm Khắc Thuần

0 nhận xét:

.