Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

32 - ĐOẠN KẾT BI THẢM CỦA CUỘC ĐỜI NGÔ NHẬT KHÁNH

Ngô Nhật Khánh người Đường Lâm, đất này, nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Các bộ sử cũ đều nói rằng, Ngô Nhật Khánh vừa là người đồng hương, lại cũng vừa là người bà con cùng một họ với Ngô Quyền. Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), đất nước loạn lạc bởi sự hoành hành của nạn cát cứ. Các thế lực yếu bị tiêu diệt dần, đến nửa sau của thế kỉ thứ X, cả nước chỉ còn mười hai thế lực lớn. Sử gọi đó là loạn mười hai sứ quân. Ngô Nhật Khánh là một trong số mười hai sứ quân này. Lấy quê nhà làm chỗ dựa, Ngô Nhật Khánh đã không ngừng mở rộng ảnh hưởng, từng một thời hùng cứ ở vùng đất thuộc tỉnh Hà Tây ngày nay.
Năm 967, Đinh Bộ Lĩnh tiêu diệt hết mười hai sứ quân. Tuy nhiên, vì kính trọng tài năng và đức độ của Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh chẳng những không nỡ giết người bà con của Ngô Quyền là Ngô Nhật Khánh, mà còn tìm đủ mọi cách để lôi kéo Ngô Nhật Khánh về với mình. Tiếc thay, Ngô Nhật Khánh đã nuôi lòng thù oán một cách vô lối để rồi rốt cuộc  phải chết một cách bi thảm. Về sự kiện này, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 1, tờ 11) viết rằng:


“(Ngô) Nhật Khánh là bà con của Ngô Tiên Chúa (tức Ngô Quyền). Trước kia, (Ngô Nhật Khánh) từng xưng là An Vương, cùng trong số mười hai sứ quân giữ đất tranh hùng. Khi Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp được (Ngô) Nhật Khánh rồi, bèn lập mẹ của hắn làm Hoàng hậu, hỏi em gái của hắn cho con mình là Nam Việt Vương (Đinh) Liễn, lại gả công chúa cho hắn nữa, thế mà Ngô Nhật Khánh vẫn không bớt oán hờn. Hắn dẫn vợ là công chúa của Đinh Tiên Hoàng đi trốn. Tới cửa biển Nam Giới (tức là cửa Sót, nằm ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay), hắn rút dao bên mình ra, rạch mặt vợ mà kể tội:


- Cha mày đã lừa gạt để ức hiếp mẹ con ta. Ta có đâu lại vì mày mà bỏ qua tội ác của cha mày. Thôi, mày hãy trở về, ta sẽ một thân một mình đi tìm ai có thể cứu được ta đây.


Nói rồi, Ngô Nhật Khánh chạy sang Chiêm Thành. Nay,  nghe tin Đinh Tiên Hoàng đã mất, Ngô Nhật Khánh dẫn quân Chiêm Thành, theo đường biển mà vào cướp phá. Chẳng dè, khi quân của chúng đi qua cửa biển Đại Nha và cửa biển Tiểu Khang thì phong ba nổi lên, nhận chìm hết cả thuyền bè, Ngô Nhật Khánh bị chết đuối. Chúa Chàm (tức vua Chiêm Thành) may được thoát nạn, thu nhặt tàn quân mà chạy về”.


Lời bàn: Nhân thời loạn mà làm loạn, sự ấy dẫu chẳng tốt đẹp gì, nhưng thôi, Ngô Nhật Khánh cũng hùng cứ một phương như bao kẻ hùng cứ các phương, hãy tạm cho là sự thường. Quan hệ hôn nhân giữa gia đình Đinh Tiên Hoàng với gia đình Ngô Nhật Khánh, tuy có phần rắc rối đến độ khó thương, nhưng, nếu xét đến tâm thành của Đinh Tiên Hoàng đối với xã tắc, kể cũng có thể coi là sự thường vậy.


Mọi sự bất thường đều ở cái tâm bất chính của Ngô Nhật Khánh mà thôi. Khi loạn mười hai sứ quân đã bị dẹp, quyền cai trị giang sơn đã được Đinh Tiên Hoàng thu về một mối, thì chống Đinh Tiên Hoàng tức là chống lại nền thống nhất thiêng liêng, tức là xúc phạm đến tình cảm chung của nhân dân cả nước. Sự vô đạo trong xử thế với thân nhân của Ngô Nhật Khánh, đời dẫu có khinh vẫn có thể tha, song, chống lại triều đình trong trường hợp này là trọng tội, quyết không thể dung tha được.


Từ chỗ loạn nhà đến chỗ hại nước, khoảng cách thật chẳng xa. Cho dẫu ngàn năm vật đổi sao dời, lòng khinh ghét và căm giận của thế gian đối với kẻ bất trung và phản quốc có bao giờ thay đổi đâu.


Như Ngô Nhật Khánh, đã bất hiếu lại bất trung, đã hại dân lại phản quốc, còn mặt mũi nào sống giữa trời cao đất dày nữa. Phong ba bất ngờ nổi lên, đó là chuyện của phong ba, nhưng, cái chết bi thảm của Ngô Nhật Khánh lúc này có phải là chuyện bất ngờ đâu. Giá thử Ngô Nhật Khánh có may mắn thoát khỏi phong ba của biển, hắn cũng chẳng thể thoát khỏi bão táp căm giận của lòng người đương thời.


... Mới hay, những kẻ phi loài,
Dẫu người không giết thì trời chẳng tha.


Tác giả: Phạm Khắc Thuần

0 nhận xét:

.